TRỢ GIÚP, KIỂM SOÁT TRONG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI VÀ VẤN ĐỀ ĐỘC LẬP CỦA BÊN NHẬN QUYỀN
Ngô Quốc Chiên
Abstract
Tóm tắt
Nhượng quyền thương mại (NQTM) là một trong những loại hệ thống kinh doanh được đơn giản hóa và quy chuẩn hóa cả về tổ chức lẫn hoạt động. Nếu như sự độc đáo của mô hình kinh doanh là yếu tố đảm bảo sự thành công ban đầu của hệ thống NQTM thì duy trì tính đồng nhất là yếu tố then chốt giúp hệ thống tồn tại lâu dài. Một trong những công cụ hữu hiệu nhất để đảm bảo tính đồng nhất của hệ thống NQTMchính là kiểm soát hệ thống. Ở Việt Nam, vấn đề kiểm soát các hệ thống nhượng quyền chưa được nghiên cứu đầy đủ trong khi đây lại là một hướng nghiên cứu rất rộng mở. Hệ thống NQTM không phải là một tập đoàn được tổ chức thành các công ty con và các chi nhánh mà là một mạng lưới các công ty đồng nhất và độc lập, vì thế nội dung và phương thức kiểm soát hệ thống cũng phải khác so với kiểm soát các hệ thống phân phối nói chung. Do bên nhận quyền là một thương nhân độc lập về tài chính và pháp lý so với bên nhượng quyền, nên việc kiểm soát hệ thống của bên nhượng quyền phải được thực hiện trong các giới hạn hợp lý. Pháp luật thương mại của nước ta trao quyền trợ giúp và kiểm soát cho bên nhượng quyền, nhưng chưa đặt ra các giới hạn cho loại quyền này. Trong khi đó, ở đa số các nước, thiếu trợ giúp và kiểm soát hệ thống, cũng như lạm quyền trợ giúp và kiểm soát đều có thể dẫn tới những hậu quả bất lợi đối với bên nhượng quyền, như hủy hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc xác định lại bản chất của hợp đồng. Trong khuôn khổ bài viết này, sau khi nhấn mạnh sự cần thiết của trợ giúp kỹ thuật và kiểm soát hệ thống (I), nội dung của trợ giúp và kiểm soát hệ thống (II), chúng tôi sẽ nghiên cứu các giới hạn hợp lý của trợ giúp và kiểm soát hệ thống (III).
Từ khóa: Nhượng quyền thương mại, trợ giúp kỹ thuật, kiểm soát hệ thống, giới hạn, sự độc lập của bên nhận quyền.