XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH HỌC PHÍ TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI TỰ CHỦ TÀI CHÍNH
Phạm Thu Hương
Abstract
Tóm tắt
Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối
với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 đã đưa ra một cơ chế tự chủ linh
hoạt hơn, cho phép các trường xác định mức học phí cao hơn khung học phí của Nhà nước.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các trường đại học công lập thuộc diện thí điểm là phải xác định
mức học phí như thế nào để vừa đảm bảo nguồn thu đáp ứng được chi phí đào tạo vừa không
làm suy giảm khả năng cạnh tranh so với các trường công lập thuộc diện được ngân sách nhà
nước. Chính sách học phí, chính sách phân bổ ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đại học
và chính sách hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên được xem như là 3 công cụ điều tiết không thể
tách rời nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định, toàn diện giáo dục. Về cơ bản, triết lý xây dựng
chính sách học phí được chia ra làm 3 trường phái: (i) học phí thấp, ngân sách nhà nước cấp
cao, hỗ trợ tài chính thấp; (ii) học phí bình quân, ngân sách nhà nước cấp bình quân, hỗ trợ
tài chính bình quân; (iii) học phí cao, ngân sách nhà nước cấp thấp, hỗ trợ tài chính cao. Một
số mô hình chính sách học phí phổ biến được các trường đại học trong và ngoài nước áp dụng
có thể kể đến như học phí được xác định đồng nhất, học phí được xác định căn cứ trên kết quả
học tập, học phí theo tín chỉ, chương trình đào tạo, học phí áp dụng cho các đối tượng đặc biệt,
học phí áp dụng cho các khóa khác nhau, học phí cố định cho cả khóa. Những triết lý cũng như
các mô hình về học phí cho thấy vẫn tồn tại một số điểm mà Nhà nước cần phải cân nhắc khi
áp dụng đổi mới thí điểm trên diện rộng và trong thời gian dài sau khi thực hiện NQ77. Để xây
dựng một chính sách học phí phù hợp các trường đại học cần phải cân nhắc các điều kiện về
phát triển xã hội và kinh tế vĩ mô bên cạnh các điều kiện về phân bổ ngân sách nhà nước và hỗ
trợ tài chính cho sinh viên.
Từ khóa: Chính sách học phí, Đại học Công lập, Tự chủ tài chính